Khái niệm Trung tâm dữ liệu – Datacenter
Datacenter là một tòa nhà với cơ sở hạ tầng cực tốt nhằm vận hành các hệ thống máy chủ, lưu trữ dữ liệu và kết nối toàn cầu với các datacenter khác. Datacenter có thể phục vụ nhu cầu kinh doanh của một hoặc nhiều doanh nghiệp công nghệ vì vậy nó đòi hỏi tính sẵn sàng cao và khả năng vận hành liên tục 24/7. Do vậy hạ tầng trung tâm dữ liệu phải tích hợp tất cả các công nghệ hàng đầu về giải pháp nguồn và giải pháp làm mát cho máy chủ.
Cấu trúc của cơ bản của Datacenter
Cơ sở hạ tầng của DataCenter sẽ bao gồm những yếu tố như hệ thống cấp nguồn điện, hệ thống làm mát, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống an ninh giám sát, hệ thống kết nối mạng, truyền dẫn, trung tâm giám sát vận hành NOC và trung tâm ứng cứu sự cố DR.
Yêu cầu của một Data Center
Dựa vào các tiêu chuẩn quốc tế TIA-942 (TIA:Telecommunications Industry Association- Hiệp hội công nghiệp viễn thông) về xây dựng Trung Tâm dữ liệu, phải đạt được các yêu cầu sau:
– Cung cấp nguồn điện lưới cho trung tâm dữ liệu, để đảm bảo cho hệ thống hoạt động liên tục không xảy ra sự cố về nguồn điện và bắt buộc phải có nguồn điện dự phòng cho trung tâm dữ liệu như: UPS và máy phát điện dự phòng.
– Hệ thống điều hòa nhiệt độ phải sử dụng loại máy lạnh chính xác vì môi trường của trung tâm dữ liệu đòi hỏi rất cao sự ổn định của nhiệt độ nhằm đáp ứng độ mát nhất định cho thiết bị hoạt động bên trong Trung tâm Dữ liệu.
– Trung tâm dữ liệu phải được cung cấp hệ thống chữa cháy dùng khí sạch cho máy chủ, mạng và phòng điều khiển trung tâm. Tường và cửa có khả năng chịu nhiệt cao trong thời gian dài.
– Hệ thống sàn nâng (tùy chọn), sàn được thiết kế phẳng để thiết bị bên trên không bị nghiêng và chịu được tải trọng cho thiết bị tin học đặt bên trên. Sàn cũng được tận dụng để che đi phần dây cáp nguồn, cáp mạng đi bên dưới tạo được mỹ quan cho trung tâm dữ liệu.
– Hệ thống an ninh (Access control và hệ thống Camera) cho trung tâm dữ liệu sẽ dùng đầu đọc thẻ hoặc sinh trắc học để tăng cường an ninh. Hệ thống Camera quan sát có thể dùng IP camera hoặc Analog camera để quan sát mọi hoạt động bên trong Data Center.
– Trung tâm dữ liệu sẽ được cung cấp hệ thống chiếu sáng theo đúng tiêu chuẩn một Data Center, cung cấp ánh sáng đầy đủ trong trường hợp khẩn cấp. Nâng cao hiệu quả công việc cho người vận hành.
– Giám sát môi trường theo dõi thường xuyên hoạt động của Trung tâm dữ liệu có thể ngăn chặn được các sự cố từ nhỏ nhất để tránh ảnh hưởng toàn bộ hệ thống Trung tâm dữ liệu.
Ngoài ra datacenter phải thỏa mãn: tính mở rộng & phát triển; tiết kiệm năng lượng; thích nghi nhiều thiết bị của các hãng sản xuất; hệ thống luôn được kiểm tra trước khi triển khai để đảm bảo giảm thiểu thời gian hệ thống ngừng hoạt động, luôn được theo dõi, cảnh báo kỹ trước khi sự cố xảy ra.
Lợi ích của việc xây dựng hạ tầng Data Center
Lợi ích mà một Data Center hoàn chỉnh mang lại cho khách hàng là:
– Có hệ thống dữ liệu tập trung
– Đáp ứng được sự bùng nổ của dữ liệu
– Kiểm soát an ninh nghiêm ngặt
– Giảm thiểu thiệt hại do các sự cố do mất điện…
– Luôn có tính dự phòng và khả năng đáp ứng cao
– Có thể dễ dàng phát triển và nâng cấp
– Được cảnh báo khi có bất kỳ sự cố nào xảy ra
– Cân bằng giữa sự phát triển của công ty và đầu tư CNTT
– Giảm thiểu chi phí phát sinh.
Data Center chuẩn quốc tế phải đạt yêu cầu gì
Trung tâm dữ liệu có bốn cấp độ khác nhau và được đánh giá dựa trên khả năng đáp ứng dịch vụ, vận hành, dự phòng rủi ro.
Uptime Institute, một tổ chức của Mỹ, đã đưa ra các tiêu chuẩn đánh giá cho việc thiết kế, xây dựng, vận hành, quản lý và sự ổn định về dịch vụ của Data Center. Chuẩn “Tier” do đơn vị này đưa ra được chấp nhận rộng rãi toàn cầu và được đánh giá chứng chỉ hàng đầu về trung tâm dữ liệu.
Cụ thể, việc đánh giá của Uptime Institute chia làm bốn cấp độ, từ thấp đến cao, gồm: Tier I, Tier II, Tier III, Tier IV. Trong đó, Tier I có thời gian hoạt động liên tục (uptime) 99,67% và không có dự phòng tích hợp, có thể bị gián đoạn (downtime) 28,8 giờ mỗi năm, thường áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ, các trang cá nhân. Tier II có uptime 99,749%, downtime 22 giờ mỗi năm và có một phần dự phòng về nguồn điện cũng như hệ thống làm mát.
Tier III là cấp độ cao nhất mà Data Center tại Việt Nam đạt được, trong đó yêu cầu uptime 99,982%, downtime không quá 1,6 giờ mỗi năm, hoạt động dự phòng N+1. Cụ thể, trung tâm dữ liệu Tier III phải có máy phát điện diesel với nhiên liệu chạy được ít nhất 12 giờ, dự phòng với hai thùng chứa dầu và mỗi bể có nhiên liệu chạy được trong 12 giờ. Ngoài ra, nó còn phải có hệ thống chuyển tự động (ATS) để tự động chuyển sang nguồn dự phòng nếu nguồn chính bị lỗi.
Cao nhất là Tier IV mà ở Việt Nam chưa có Data Center nào nhận được chứng chỉ của Uptime Institute và cũng chưa có trung tâm dữ liệu nào nhận là đạt được mức độ này. Thực tế, Tier IV tương đương với Data Center được Chính phủ Mỹ sử dụng. Nó có uptime 99,995% và downtime tối đa 0,8 giờ mỗi năm. Dĩ nhiên, chi phí xây dựng và vận hành của trung tâm dữ liệu Tier IV đắt hơn nhiều so với Tier III.